Dăm ba cái phương pháp sắp xếp trong Second brain
**author :: Đỗ Thu Trang
url:: https://www.facebook.com/groups/594306492570157/search/?q=trang
Quay Lại👈
**
Second Brain là gì?
-
Não hai, hay tên đầy đủ là Building a Second Brain là một hệ thống lưu trữ, quản lý, và xử lý thông tin, nằm ngoài bộ não của chúng mình và không cần chạy bằng cơm. Cốt lõi của não hai chính là sau các giai đoạn bạn lưu trữ, quản lý, xử lý thông tin, bạn có thể ứng dụng được những thông tin đó trở thành kỹ năng, kiến thức của bản thân mình. Chúng mình tiếp nhận rất nhiều thông tin trong đời, nhưng sẽ chỉ nhớ được những thông tin hay dùng và dần lãng quên những thông tin không dùng nhiều đến.
-
Ý tưởng về não hai không mới, đã có từ thời chiến (Chúc mừng ngày 30/4), kinh điển là chúng mình có phương pháp Zettelkasten, lưu trữ thẻ ghi chú vào trong các hộc tủ. Nhưng với thời đại công nghệ phát triển, thì ngoài dung lượng bộ nhớ gần như không giới hạn combo thêm cả các tác vụ xử lý và tìm kiếm, giờ đây, có thể được hỗ trợ với AI, thì nhu cầu có một chỗ để ta "thải" đống thông tin trong đầu ra - để cho nhẹ đầu - ngày càng tăng.
-
Vậy nên sử dụng công cụ gì xây dựng não hai? Chúng mình có Notion, Obsidian, Logseq, Capacities, Anytype và ngày càng có nhiều ứng dụng để quản lý kiến thức được đẻ ra. Giữa một rừng các ứng dụng được thiết kế đẹp mắt và được các Productivity Youtuber giới thiệu, việc lựa chọn công cụ phù hợp với bạn phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích riêng và workflow - quy trình làm việc - của bạn.
-
Dưới đây là một vài phương pháp xây dựng Second Brain mà mình đã thấy trên feed Youtube của mình.
Theo Tiago Forte
-
Tiago Forte là cha đẻ của phương pháp xây dựng não hai và là tác giả của cuốn Building a Second Brain. Anh zai này cũng có một series mời các Productivity Youtuber khác chia sẻ cách họ xây não hai của mình như thế nào. Nếu bạn muốn tham khảo cách tư duy và hệ thống não hai của những người có kinh nghiệm thì đừng bỏ qua nhé, link mình sẽ để ở dưới
-
Phương pháp của Tiago Forte là gì? Tiago xây dựng một não hai với 4 tầng quản lý: Lưu trữ thông tin -> quản lý thông tin -> vận dụng được kiến thức -> làm chủ kỹ năng, tóm gọn lại trong 4 chữ cái, C.O.D.E.
QUY TRÌNH CODE
- CODE hay nói đầy đủ ra là Capture - thu thập, Organize - tổ chức, Distill - chắt lọc, Express - diễn giải.
- Capture = tổng hợp thông tin - gồm các ghi chú nhanh và bookmarks của bạn (ví dụ: bài viết, mẹo vặt, video, danh sách việc vặt)
- Organize = phân loại thông tin. Tiago có một phương pháp sắp xếp gọi là PARA để phân loại các nội dung của ảnh theo 4 mục sau:
-
Projects = những mục tiêu và các tác vụ cần hoàn thành trong thời gian ngắn, có deadline cụ thể (ví dụ: tổ chức sự kiện trước tháng 3)
-
Areas = các lĩnh vực đang quan tâm và muốn thực hiện trong thời gian dài, không có deadline nhất định (chăm sóc sức khỏe, quản lý tài chính)
-
Resources = sở thích và các nguồn tài nguyên lưu lại biết đâu cần dùng đến (sách, khóa học, podcast, công cụ)
-
Archive = lưu trữ, xong việc rồi thì cất tạm vào góc (dự án đã xong, các tài liệu đã xử lý xong, các lĩnh vực tạm thời bỏ xó, sở thích cũ)
- Distill = tóm tắt và ghi các ý chính của thông tin
- Express = chia sẻ thông tin và kiến thức với cộng đồng. Chia sẻ kiến thức theo cách của bạn là một kiểu để ta ôn lại bài cũ và nâng cao các kỹ năng mềm như viết lách, tư duy phản biện. Suy cho cùng,
- Công cụ được ứng dụng nhiều nhất cho phương pháp này? dành cho các công cụ có database, như Notion và Coda.io, hoặc folder, như Obsidian
Theo Nick Milo
Nick Milo là một trong những Youtuber đời đầu làm video hướng dẫn sử dụng Obsidian, chủ kênh Linking Your Thinking (LYT). Anh cũng đã phát triển cho bản thân những phương pháp sau để hệ thống file dựa theo các tính năng chính của Obsidian.
MOC
-
Tên đầy đủ của MoC là Map of Content - Sơ đồ nội dung, đơn giản là 1 ghi chú/ note chứa toàn bộ link dẫn đến các note khác trong hệ thống. Ghi chú này sẽ là mục lục, dùng để định hướng trong hệ thống của bạn.
-
Mục đích của hệ thống này là tối giản việc tìm kiếm và định hướng chỉ trong 1 ghi chú. Thay vì phải dùng hệ thống folder hoặc database (trong 1 database hoặc 1 folder sẽ có nhiều ghi chú), bạn chỉ việc tận dụng chức năng liên kết ghi chú - linking notes - trong Obsidian.
-
Công cụ được ứng dụng nhiều nhất cho phương pháp này? Chủ yếu là Obsidian, nhưng với những công cụ mà có chức năng xem graph đều có thể áp dụng được (như Logseq, Anytype)
-
Gợi ý plugin sử dụng: Mình dùng Zootelkeeper (tự động liên kết ghi chú trong folder và trong vault với nhau) và Map of Content (hiển thị cái bảng sơ đồ trong hệ thống của bạn)
ACCESS
- Là một hệ thống sắp xếp thông tin theo 6 folder sau: Atlas, Calendar, Cards, Extra, Sources, Spaces.
- Atlas - folder ở tầng trên cùng - là bản đồ định hướng trong hệ thống của bạn. Nó chính là MoC của bạn
- Calendar - folder thứ 2 - chứa các ghi chú bạn dùng để ghi chú lịch trình theo thời gian, như nhật ký, cuộc họp
- Cards - folder thứ 3 - chứa các ghi chú về một chủ đề nhất định, tương tự như Zettelkasten
- Extra - folder thứ 4 - chứa các tập tin đính kèm trong ghi chú (như file pdf, ảnh, canvas) hoặc template sẵn để chèn vào note
- Sources - folder thứ 5 - chứa các nguồn kiến thức và cảm hứng từ bên ngoài, như bài viết, podcase, bài nghiên cứu, video, phim ảnh, khóa học
- Spaces - folder tầng cuối - chứa các không gian làm việc của bạn, được đại diện bằng các folder phụ (tức là hệ thống folder đa tầng). Bên trong folder phụ, các link sẽ được phân ra theo 4 mục sau: MoCs, Areas, Projects, Support notes (gọi tắt là MAPS)
-
MoCs = note điều hướng các file trong không gian
-
Areas = các mảng trong không gian đang diễn ra và cần duy trì
-
Projects = các dự án cần hoàn thành trong thời gian ngắn, có deadline cụ thể
-
Support notes = các note và link bổ trợ, có thể là những note liên quan từ 5 folder còn lại
-
Tóm lại, tưởng tượng cái vault của bạn như một cái nhà, bạn sẽ làm việc ở tầng folder dưới cùng, nơi mà mọi thứ bạn cần đã có sẵn ở trên bàn (MAPS). Tầng 2 đến tầng 5 là kho tàng thư viện của bạn. Tầng 1 trên cùng là nơi bạn định hướng cả căn nhà.
-
Công cụ được ứng dụng nhiều nhất cho phương pháp này? Chủ yếu là Obsidian, bởi nó vừa có thể liên kết note vừa có thể tạo folder. Cá nhân mình thấy bạn cũng có thể dùng database trong Notion và Coda.io
Lâu đời hơn
ZETTELKASTEN AKA ATOMIC NOTES (1640S)
-
Zettelkasten - phương pháp được phát triển bởi Luhmann vào thế kỷ thứ 17 - còn được biết đến trong cộng đồng Obsidian ngày nay là phương pháp ghi chú nguyên tử (khái niệm này được phát triển bởi Ahrens - tác giả sách "How to Take Smart Notes" (2017), lấy cảm hứng từ cụ Luhmann), bởi mỗi một thẻ chỉ chứa một khái niệm, và dần dần sẽ liên kết với các thẻ ghi chú khác. Cũng giống như nguyên tử, mỗi một thẻ ghi chú là một đơn vị nhỏ nhất để hình thành nên các bài viết (cụ thể là cụ Luhmann này đã viết được 70 cuốn sách và 400 bài nghiên cứu đa chủ đề)
-
Quy trình của cụ như sau, gồm có 2 hộp:
-
Đọc tài liệu bên ngoài, chọn nội dung trong tài liệu tham khảo cụ muốn ghi lại, chắt lọc ý chính, viết lại bằng lời văn của cụ, và lưu lại vào hộp Zettel (còn trong Obsidian, bạn có thể tạo 1 folder khác tên là Literature notes)
-
Review lại Literature note và phát triển ý mới cho vào Permanent note. Những ghi chú này sẽ được cho vào hộp Kasten (trong Obsidian, bạn có thể tạo 1 folder với tên là Permanent note , được đánh dấu theo từ khóa ngữ cảnh (ví dụ )
-
Review các Permanent note và tìm xem chúng có mối quan hệ gì với nhau không.
-
Nói cách khác, quy trình của cụ là kiểu từ dưới lên, nội dung có trước, bài viết có sau, từ đó bạn có thể phát triển ý từ nhiều góc nhìn khác nhau.
-
Công cụ được ứng dụng nhiều nhất cho phương pháp này? Chủ yếu là Obsidian, bởi nó có core plugin là Unique note creator, tạo note mới với ID khác nhau. Nhưng bạn cũng có thể dùng database với Notion, sử dụng cách ký hiệu note theo thứ tự 1, 1a, 1b của cụ Luhmann.
LATCH (1996)
-
Phương pháp LATCH này thực ra là một phương pháp sắp xếp thông tin, được giới thiệu bởi bác Wurman - founder của TED talks, và là người nghĩ ra cụm "information architecture" - kiến trúc thông tin, một thuật ngữ rất nổi tiếng trong ngành thiết kế trải nghiệm người dùng.
-
Bác Wurman cho rằng là mọi ghi chú, dữ liệu đều có thể được quy về 5 dữ kiện sau:
-
Location = dựa nơi chứa ghi chú
-
Alphabet = dựa vào thứ tự chữ cái A-Z hoặc Z-A
-
Time = dựa vào thời gian gắn với ghi chú, như ngày tạo file hoặc ngày update file
-
Category = dựa vào cách bạn nhóm các file giống nhau vào cùng 1 chủ đề
-
Hierarchy = dựa vào giá trị của thông tin trên 1 thang đo nhất định, hoặc trình tự xuất hiện của file trong hệ thống
-
Công cụ được ứng dụng nhiều nhất cho phương pháp này? Thú thật là mình không thấy nhiều Youtuber giới thiệu về phương pháp này lắm. Mình biết đến từ video của 1 Youtuber chuyên làm về Obsidian, nên mình nghĩ những công cụ cho bạn sử dụng database và folder đều có thể dùng được
Chốt bài
Cá nhân mình thấy, không có phương pháp nào là bá nhất, chỉ có phương pháp phù hợp với sở thích của bạn mà thôi. Vậy nên, bạn không cần phải sử dụng một phương pháp và workflow cả đời, mà có thể kết hợp các phương pháp khác nhau để tạo nên phương pháp riêng. Đến người yêu còn thay được, thì dăm ba cái phương pháp này đã là gì.
Chúc các bạn xây dựng được một não hai ưng ý.
Sốt để xem tutorial cách set up
Series xây dựng não hai https://www.youtube.com/watch?v=-Y_6U0FoqDk&list=PLVNXAaej57W7PlusTwr9O6EOlAiJOqIh3
CODE https://www.youtube.com/watch?v=-bdE_54UUA4&t=465s...
MoC https://www.youtube.com/watch?v=AwRSTH72MYw...
ACCESS https://www.youtube.com/watch?v=p0zWJ-TLghw
Zettelkasten https://youtu.be/GpV47rUYk8I?t=412